• Chưa có sản phẩm trong giỏ hàng.

Nhang trầm hương trong văn hóa Phật giáo

Bao Tram 49

Hương là vật phẩm tâm linh không thể thiếu của Phật giáo, và việc dâng hương mang ý nghĩa và hình tượng rất quan trọng. Tầm ảnh hưởng của hương được thể hiện khi có mặt trong hầu khắp các nghi thức Phật giáo.

Trong văn hóa dân gian, làn khói hương tượng trưng cho việc truyền tín hiệu từ thế giới thực tại đến cõi tâm linh (thần linh, cửu huyền) khi muốn thông báo một sự việc hoặc cầu xin điều gì đó, vì thế mà hương còn được gọi là “hương tín”. Nói cách khác, đó là nhịp cầu kết nối giữa thế giới hữu hình và vô hình.

Với người Phật tử, nén hương khi dâng trước Phật cũng mang ý nghĩa “hương tín”, hiểu theo nghĩa đang báo tin đến chư Phật, Bồ-tát rằng: “Con đang đứng trước hình tượng của Ngài và nguyện tu học theo hạnh nguyện của Ngài”. Tuy nhiên, trong đạo Phật, ngoài ý niệm truyền tin, hương còn giữ vai trò lớn hơn thế.

Thật vậy, tầm ảnh hưởng của hương được thể hiện khi có mặt trong hầu khắp các nghi thức như: tụng kinh, ngồi thiền, lễ tắm Phật, lễ khai quang, cầu an, phóng sanh,… Cũng vì thế, đứng đầu “Lục chủng cúng dường” chư Phật, Bồ Tát phải kể đến hương, gồm: hương, đăng, hoa, đồ, quả, nhạc.

Điều này thật dễ hiểu bởi khi Đức Phật còn tại thế đã có truyền thống dâng hương cúng Phật, tức là thắp (đốt) nén hương khi đảnh lễ(1). Vậy nên với người Phật tử, dâng hương lên Tam Bảo là cách thể hiện cái tâm thành kính, vì “dâng” là đưa (một cái gì đó) lên theo cách thức cung kính. Chẳng thế mà có bài kệ(2):

Nguyện thử diệu hương vân,

Biến mãn thập phương giới,

Cúng dường nhất thiết chư Phật, Tôn Pháp, Bồ Tát,…

Công năng của việc đốt hương

Đối với người xuất gia tu hành hoặc Phật tử, việc dâng hương trước Phật không quan trọng ở số lượng nhiều, khói tỏa mịt mù (dễ gây nhiễu sự thanh tịnh) mà chỉ cần một nén hương, khói bay nhẹ nhàng, mùi thơm phảng phất nhưng tôn quý. Tuy nhiên, dù tôn quý đến mấy, loại hương ta thắp vẫn không thể bay ngược gió, nên không thể đi vào Pháp giới và không thể sánh với hương của người có đức hạnh, hoặc Giới hương(3). Dù vậy, nén hương khi dâng trước tượng Phật sẽ làm tăng dần độ cảm nhận về vẻ đẹp của Ngài, và đến lúc nào đấy, khi tâm trí quán chiếu, tâm hồn định tĩnh và lòng thành cao độ, ta sẽ cảm như Phật cốt của bức tượng tan biến và hiện ra là Đức Phật khả kính(4).

Vì thế, đốt hương, dâng hương là một phương thức quan trọng để giữ cho tâm hồn được trong sáng, nhắc nhớ thực hành điều lành để giữ đức hạnh, và bước đầu mở ra cánh cửa vào Đạo pháp.

Đốt nén tâm hương trước Phật đài,(5)

Ngũ phần dâng trọng Đức Như Lai,…

Đốt nén tâm hương cúng Phật Đà,

Lòng thành gởi tận chốn bao la,…

Đốt nén tâm hương ở Ta Bà,

Nhớ lời di huấn Đức Thích Ca,…

 

Công nhân xưởng Trầm hương Bảo Trầm đang phơi chân nhang

Công đức của việc dâng hương

Kinh điển có ghi lại việc trưởng giả Phổ Nhãn Diệu Hương giảng “pháp môn khiến tất cả chúng sinh hoan hỷ phổ môn” chủ trương thắp hương cúng dương chư Phật, cứu hộ chúng sinh, hay như Thanh Liên Hoa trưởng giả “giỏi biết chư hương pháp môn” chuyên giảng chủng loại và của các thứ hương, bao gồm hương xông cho Phật được xem là một loại công đức(6). Điều này đã cho thấy, việc dâng hương, nhất là hương quý là một việc làm luôn được khuyến khích.

Trầm hương và kỳ nam hương, loại hương tôn quý nhất khi cúng Phật

Trong các loại hương dâng Phật thì hương trầm được suy tôn như mùi “hương của Niết bàn”, đặc biệt là loại hương kỳ nam. Khái niệm Niết bàn là một danh từ khó có thể giải thích toàn vẹn bằng lời, nhưng hết thảy người xuất gia hoặc Phật tử đều hiểu, Niết-bàn là mục tiêu chính yếu của Phật giáo và cũng là mục tiêu cuối cùng của người tu Phật. Chính vì lẽ ấy, khi nói hương trầm là mùi “hương của Niết bàn” đã cho thấy đây quả là một mùi hương vô cùng tôn quý.

Thực vậy, trong bộ kinh Minlindapanha – Di Lan Đà vấn đạo, hay Na-tiên tỷ khâu kinh (xuất hiện khoảng 100 năm sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn và được Phật giáo Miến Điện xếp vào hàng Thánh điển và Phật giáo Srilanka xếp chung với năm bộ Nikàya để tôn thờ) nói về những câu hỏi – đáp giữa vua Milinda (Di Lan Đà) và tỳ kheo Nàgasena (Na-tiên), ở phần đề cập đến Niết Bàn, ngài Na-tiên đã khéo léo vận dụng sự so sánh để mô tả về Niết Bàn, trong đó có sự so sánh về trầm hương như dưới đây:

Trầm hương có 03 đặc điểm là:

1. Thật khó mà tìm được.

2. Mùi thơm tuyệt đối.

3. Tất cả ai ai cũng ưa chuộng và ca tụng.

Cũng như Niết Bàn có 03 đặc điểm là:

1. Thật khó mà tìm thấy và khó mà gặp được.

2. Mùi thơm của Tam học (Giới – Định – Huệ) là mùi thơm tuyệt đối.

3. Là nơi của các bậc Thánh nhân an nghỉ.

Bởi thế, khi dùng trầm hương để dâng lên Tam Bảo (Phật – Pháp – Tăng) chính là cách mà người Phật tử thể hiện lòng tôn kính hết mực.

Đức Hạnh
(phatgiao.org.vn)

GHI CHÚ:

(1) Trường A-Hàm Kinh, quyển 2: Kinh Du Hành.

(2) Kinh Phổ Môn.

(3) Kinh Pháp Cú (54-55).

(4) Lược giải bổn môn Pháp Hoa kinh – phẩm Nguyện hương (HT. Thích Trí Quảng).

(5) Sđd.