Trong một cuốn sách tôi đọc, có dòng chữ như này:
“Bổn phận của cha mẹ là dạy dỗ con cái biết hiếu thảo, trở thành con người lương thiện”. Tôi nghĩ đức tính hiếu thảo và lương thiện rất liên quan với nhau. Một người mà đối với cha mẹ sanh ra, vẫn không có lòng hiếu, thì làm sao có thể lương thiện được? Do đó hiếu thảo được xem là thiện pháp căn bản, mở đầu cho những điều tốt đẹp khác trong cuộc đời.
Vậy thì “dạy dỗ con cái biết hiếu thảo” bằng cách nào?
Theo tôi, trực tiếp và hiệu nghiệm nhất, chính là “làm gương”! Chúng ta muốn con cháu mình trở thành người như thế nào, hãy cứ sống như vậy, chúng chắc chắn sẽ học theo. Điều này đã được khoa học phương Tây chứng minh bằng công trình thực nghiệm cụ thể. Có một nhà khoa học nổi tiếng đi qua rất nhiều nơi trên thế giới, tiếp xúc với hầu hết các tầng lớp được xem là tinh hoa và tiến bộ của xã hội, nhưng ông vẫn thừa nhận: “Những thói quen và phản ứng của tôi, đều không khác mấy với cha tôi – người suốt đời chỉ sống ở một thôn quê nhỏ bé”.
Một câu chuyện dân gian phương Đông khác cũng nói lên ý nghĩa tương tự: Có đôi vợ chồng nọ sống với người cha già và đứa con nhỏ. Thấy gia cảnh nghèo khó, lại phải nuôi dưỡng người cha già yếu không thể phụ giúp việc gì cả, đôi vợ chồng nhẫn tâm định đóng một chiếc xe chở cha vào rừng bỏ, cho “tự sinh tự diệt”. Khi đang loay hoay đóng xe, đứa con thắc mắc cha đóng xe làm gì, anh cũng thật tình giảng giải: “Để chở ông nội vào rừng”, “Vì ông già rồi, không làm việc được nữa”. Đứa con hồn nhiên dặn: “Cha đưa ông nội vào rừng xong, nhớ mang xe về cho con nhé! Để sau này cha già, con cũng sẽ chở cha vào rừng giống ông nội”…
Đạo lý nhân quả cũng khẳng định “kẻ hiếu thuận sẽ sinh con hiếu thuận”, giọt nước trước rơi thế nào, giọt nước sau ắt cũng sẽ theo đường lối đó mà rơi xuống.
“Nếu mình hiếu với mẹ cha
Thì con cũng hiếu với ta khác gì.
Nếu mình ăn ở vô nghì
Đừng mong con hiếu làm gì hoài công”
Kính chúc cả nhà mùa Vu lan gieo trồng được nhiều công đức, cho mình, cho ông bà cha mẹ nhiều đời!
Suối Thông